Bí kíp làm món cóc dầm ngon tại nhà

Đăng bởi Thế Giới Nông Sản ngày

Cách làm cóc dầm không hề khó, với người vụng về nhất cũng có thể làm được. Tuy nhiên, giữ cho cóc có vị giòn và có màu xanh bắt mắt, đặc biệt là hương vị hấp dẫn thì lại là chuyện khác. Nếu bạn đang muốn chế biến món ăn này để có thể thoải mái nhâm nhi cùng bạn bè, để được lâu và vẫn ngon thì hãy lưu ngay những mẹo sắp bật mí dưới đây nhé.

1. Cách làm cóc dầm chua ngọt

Cóc dầm chua ngọt là sự kết hợp giữa vị thanh chua của cóc với một chút ngọt của đường và vị cay the của ớt. Tất cả hòa quyện lại tạo thành món ăn tuy đơn giản nhưng rất được lòng chị em, nhất là các tín đồ thích ăn vặt. Cách làm cóc dầm kiểu này không hề phức tạp chút nào.

1.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Cóc tươi: 1kg
  • Đường ngọt: 150g
  • Nước mắm non: 2 muỗng
  • Muối tinh: 3 muỗng
  • Ớt bột: 2 muỗng
  • Ớt trái: 10 quả 

1.2. Các bước làm món cóc dầm chua ngọt

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Đầu tiên, cóc mua về bạn rửa sạch lớp đất cát đen bên ngoài rồi gọt bỏ vỏ. Nhớ gọt thật mỏng để vẫn giữ được độ chua cho cóc. Vừa gọt vừa cho vào chậu nước muối pha loãng đã chuẩn bị để cóc không bị thâm đen. Hơn nữa việc làm này còn giúp cho cóc ngấm vị mặn mặn của muối, như vậy sẽ ngon hơn. 
  • Nếu là cóc quả to, bạn có thể tách ra thành từng miếng nhỏ vừa ăn (bỏ đi phần hạt). Nếu là cóc non loai nhỏ thì bổ đôi hoặc để nguyên khứa nhẹ xung quanh. Ngâm khoảng 15 phút, vớt ra để cho ráo nước.
  • Về phần ớt trái, bạn chỉ cần rửa sạch, bỏ cuống rồi thái lát, có thể giữ lại hạt hoặc không, tùy vào mức độ ăn cay của bạn.

Bước 2: Pha hỗn hợp nước ngâm cóc

Cach-lam-coc-dam

Đây là bước quan trọng nhất vì chỉ cần lỡ tay một tí thôi là đã khiến món ăn bị thất bại. Bạn cho khoảng 300 ml nước sôi để nguội vào nồi và đun sôi chung với đường. Vặn lửa nhỏ và khuấy đều tay để đường tan hết. Sau khi có được hỗn hợp, bạn tắt bếp để nguội. Tiếp tục cho 2 thìa nước mắm và ớt bột vào khuấy lên cho các gia vị hòa vào nhau. 

Bước 3: Cho cóc vào hũ

Cach-lam-coc-dam

Lấy cóc xếp vào hũ nhựa hoặc hũ thủy tinh đã sạch. Nhưng tốt nhất nên dùng hũ thủy tinh để tránh tạo mùi khi ngâm lâu, làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau đó đỗ hỗn hợp trên vào, nhớ phải ngập mặt cóc rồi vặn nắp thật chặt. 

2. Cách làm cóc dầm bò khô

Cách làm cóc dầm với bò khô cũng rất đơn giản, chỉ là có một chút biến tấu về nguyên liệu và công thức thực hiện. Với vài bước bạn đã có ngay món cóc dầm bò khô giòn giòn, chua chua lại có vị bò khô cay cực kỳ hấp dẫn.

2.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Quả cóc: 300g (cóc bao tử hoặc cóc thường đều được)
  • Bò khô: 50g
  • Đậu phụng rang: 30g
  • Đường cát: 3 thìa cà phê
  • Muối + ớt: 2 thìa cà phê

Cach-lam-coc-dam

2.2. Hướng dẫn làm cóc dầm bò khô

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Cóc rửa sạch, gọt vỏ và dùng dao tách thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Ngâm cóc trong nước đá khoảng 30 phút, vừa giúp giảm bớt độ chua vừa cho cóc có độ giòn ngon, vớt ra để ráo.

Bước 2: Trộn có với các nguyên liệu

Cho cóc vào tô/thau rồi trộn đường vào sao cho đường tan hết và thấm vào tất cả các miếng cóc. Tiếp theo bạn cho muối và ớt bột vào (có thể thay bằng muối Tây Ninh). Tùy vào khẩu vị mà trộn sao cho hợp lý. Lưu ý không cho muối và đường vào cùng lần, bởi cho muối vào sớm sẽ làm cóc bị dịu. Sau đó trộn đều và để trong khoảng 15 phút.

Cach-lam-coc-dam

Bước 3: Cho bò khô vào hỗn hợp cóc

Bước sau cùng của cách làm cóc dầm này là cho bò khô và đậu phụng vào và đảo lên, đảm bảo các hương vị quyện vào nhau. Tuy nhiên nhớ khi ăn mới thêm bò khô để tránh làm tan chảy ảnh hưởng đến chất lượng món ăn.

3. Cách làm cóc dầm muối ớt

Món cóc dầm muối ớt chế biến nhanh chóng, không phải lo lắng nhiều tới vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm, làm xong là có thể ăn ngay, rất tiện lợi.

3.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Cóc non: 0.5kg
  • Đường cát: 50g
  • Ớt bột và ớt trái
  • Gia vị: muối, đường 

3.2. Các bước làm cóc dầm muối ớt

Bước 1: Tiến hành sơ chế cóc

Cóc đem đi rửa sạch, để ráo nước rồi mang đi gọt vỏ. Chú ý gọt mỏng lớp bên ngoài thôi để giữ được mùi thơm tự nhiên cho cóc. Gọt quả nào cho quả nấy vào chậu nước muối pha loãng vừa đảm bảo vệ sinh lẫn không cho cóc bị ứ mủ. Ngâm tầm 15 phút, bạn tiến hành chẻ cóc thành từng miếng vừa ăn. 

Bước 2: Tiến hành làm cóc dầm muối ớt

  • Cho cóc vào một cái âu lớn rồi cho đường cát vào xóc cho đường ngấm đều. Chờ thời gian khoảng 20 phút cho đường tan hết thì rắc muối ớt vào trộn đều. Tùy vào mức độ ăn cay của bạn để xem cho ớt nhiều hay ít nhé!
  • Ngâm cóc với đường, muối ớt thêm độ 20 phút nữa. Sau đó bạn có thể thưởng thức món cóc dầm muốt ớt cực ngon. 

Cach-lam-coc-dam

4. Cách làm cóc dầm xí muội

Xí muội chua cay có tính mát, giảm ho, viêm họng, còn cóc – loại trái chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe như: giảm cân, cải thiện thị lực, tăng sức miễn dịch,… Khi kết hợp với nhau trở thành món ăn lý tưởng mà bạn không nên bỏ qua. Hãy cùng học ngay cách làm cóc dầm xí muội ngay dưới đây.

4.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Cóc non: 500g
  • Xí muội hoặc ô mai xí muội
  • Đường trắng: 50g
  • Muối, ớt
  • Lọ đựng cóc dầm 

4.2. Các bước làm cóc dầm xí muội

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Cóc dầm xí muội bạn nên chọn cóc không hạt để tạo hình đẹp mắt, dễ làm. Sau khi mua về bạn rửa sạch, dùng dao cắt vỏ bên ngoài. Tiếp theo chuẩn bị một to nước muối ngâm cóc tầm 30 phút để loại bỏ nhớt và vị chua. Xong, bạn rửa cóc một lần nữa rồi vớt ra để ráo nước.
  • Với xí muội, nếu không mua được loại bột vẫn có thể sử dụng viên xí muội rồi cắt phần thịt thành từng miếng mỏng, băm nhuyễn, bỏ đi phần hạt. 

Cach-lam-coc-dam

Bước 2: Ngâm cóc với đường

Chuẩn bị một cái âu lớn, rải đều lớp đường cát phía dưới, sau đó cho một lớp cóc lên trên. Thực hiện luân phiên cho đến khi hết số cóc đã chuẩn bị. Ngâm trong vòng 3 – 4 tiếng để đường tan và thấm vào cóc.

Bước 3: Dầm cóc với xí muội

Vớt cóc ra và cho cóc vào tô lớn, thêm xí muội và một muỗng ớt bột vào. Dùng tay trộn đều cho chúng thấm hết vào nhau. Tiến hành cho tất cả vào lọ thủy tinh hoặc lọ nhựa cùng một ít nước đường vừa dầm cóc và ớt. Để khoảng vài tiếng là đã có thể nhâm nhi với bạn bè được rồi đấy. 

Cach-lam-coc-dam

5. Một số lưu ý khi làm món cóc dầm ngon tại nhà

  • Muốn có món cóc dầm ngon đúng vị bạn nên chọn loại cóc non còn tươi, không được quá chín. Như vậy vừa dễ bổ vừa đảm bảo độ giòn cần thiết.
  • Nếu món cóc dầm có dùng nước sốt, nhớ để nước thật nguội và cóc thật ráo rồi mới bắt đầu trộn để cóc không bị ỉu và không bị nổi váng.
  • Nếu trộn trực tiếp, bạn nên cho đường vào trước đến khi đường tan hết mới thêm muối, ớt vào sao cho vừa ăn.
  • Để cóc thấm đều hãy chú ý trộn thật đều tay. Quan trọng là phải có thời gian ngâm cho các gia vị ngấm vào từng miếng cóc, ăn sẽ ngon hơn rất nhiều.

Cóc non dầm còn được dùng ăn kèm với các món nướng, thịt muối, các món nguội, đặc biệt làm món khai vị trong các bữa tiệc. Nó sẽ giúp trung hòa vị béo ngậy của những món chiên rán, giàu chất đạm…

Hy vọng những tín đồ thích ăn vặt sẽ áp dụng và thực hiện món này ngay tại nhà để nhâm nhi cùng đám bạn. Cóc dầm tưởng chừng chỉ là món ăn vặt thông thường nhưng giá trị dinh dưỡng của trái cóc cho sức khỏe cũng không nhỏ đâu bạn nhé. Vì, có chứa vitamin A, vitamin C, Canxi, giàu chất xơ,… cũng tốt đấy. Vậy nên đừng quên thêm món ăn chơi nhưng có lợi này vào menu của mình nhé!


Cũ hơn Mới hơn


0 bình luận


Bình luận

Lưu ý: Các bình luận phải được duyệt trước khi được hiển thị.